Lễ hội Halloween với người kitô hữu
Hàng năm cứ độ cuối tháng Mười, các cửa hàng, siêu thị lại bày bán những sản phẩm phục vụ cho lễ hội Halloween. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ thoả sức hoá trang thành các nhân vật cho lễ hội. Tuy nhiên, tựu chung lại các sản phẩm được bày bán cũng như các nhân vật được hoá trang trong dịp này hầu hết có hình thù ma quỉ. Vậy tại sao người ta lại hoá trang thành ma quỷ trong lễ hội Halloween? Liệu lễ hội Halloween có liên hệ gì với người Kitô hữu không? Và nó có còn phù hợp với giáo lý Kitô giáo không? Chúng ta cùng tìm hiểu các vấn đề đó.
Nguồn gốc
Hạn từ Halloween có nguồn gốc từ thuật ngữ All Hallows’ Eve, có nghĩa là buổi chiều áp ngày Lễ Các Thánh (vọng Lễ Các Thánh 1/11). Và như ta biết lễ hội Halloween được diễn ra vào ngày 31/10, tức là trước ngày Lễ Các Thánh 1/11 và cũng là tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời của Giáo hội Công giáo.
Vào ngày này, các tín hữu ở Âu châu thời bấy giờ tin rằng trái đất rung chuyển, đất đai nứt nẻ và ma quỷ từ địa ngục chui lên với nỗ lực cuối cùng nhằm lôi kéo các linh hồn về với hắn. Thế nên vào buổi chiều áp ngày Lễ Các Thánh, họ túa ra ngoài đường, mặc những trang phục kinh dị như ma quỷ, đồng thời miệng hô vang Danh Chúa Giêsu và khua chiêng gõ mõ để xua đuổi ma quỷ, đuổi chúng về địa ngục[1].
Một số nước khác ở Âu châu vào thời đó như Ireland, người dân sẽ gõ, đập nồi niêu bởi lẽ họ cho rằng việc làm này sẽ giúp các linh hồn đang chịu phạt trong luyện ngục biết rằng họ không bị quên lãng, và cũng như muốn nhắc nhở rằng sau thời gian thanh luyện các linh hồn cũng sẽ được vinh hiển như các thánh trên thiên đàng. Còn ở Pháp, vào ngày này người ta thường vẽ các bức họa vũ điệu của cái chết (danse macabre) để nhắc nhở về sự phù vân của cuộc đời trần thế.
Như vậy, lễ hội Halloween có nguồn gốc xa xưa bên Âu châu, do các tín hữu Kitô giáo khởi xướng trong bối cảnh Giáo hội chuẩn bị mừng Lễ Các Thánh.
Thực trạng lễ hội Halloween ngày nay
Tuy nhiên, theo thời gian lễ hội Halloween đã bị thương mại hoá và giờ đây chỉ thuần tuý mang tính chất giải trí. Thế nên, lễ hội Halloween ngày nay đã mất đi tính thánh thiêng và ý nghĩa tôn giáo vốn có của nó. Nó khoác vào mình một ý nghĩa tiêu cực, nếu không muốn nói đi ngược lại giáo lý Kitô giáo. Quả thật, ngày nay lễ hội Halloween như đang cổ vũ cho văn hoá sự chết khi những người tham gia tìm cách hoá trang thành các phù thủy, ma quỷ, các nhân vật sát nhân trong các bộ phim kinh dị với cảm giác kinh hãi và chết chóc để hù dọa hay làm kinh hãi người chung quanh. Thậm chí, lễ hội Halloween còn gieo vào người ta ý niệm về quyền năng của ma quỷ. Điều đó dễ làm mọi người, nhất là những người ngoài Kitô giáo, ngộ nhận và suy phục quyền năng của ma quỷ. Bên cạnh đó, nhiều nơi đã lợi dụng lễ hội Halloween để cổ xuý bạo lực hay để biến thành cơ hội ăn chơi trác táng. Như vậy, thay vì xua đuổi ma quỷ như ý nghĩa nguyên thuỷ của nó, giờ đây lễ hội Halloween lại xem ra như mời ma quỷ vào linh hồn, vào cuộc sống của mình.
Kết luận
Bởi lẽ ý nghĩa của lễ hội Halloween đã bị đảo ngược và thương mại hoá như vậy nên đã có một số Giáo hội lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng này. Cụ thể Giáo hội Công giáo Ý đã kêu gọi tẩy chay lễ hội Halloween, đồng thời kêu gọi các tín hữu trở về nguồn bằng cách có những hoạt động lành mạnh hơn và đúng với ý nghĩa của hai ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ và Lễ Các Linh Hồn. Còn Hội đồng Giám mục Philippines lên tiếng cảnh giác các tín hữu và gọi lễ hội Halloween là lễ hội phản Kitô.
Với thực trạng về lễ hội Halloween đang diễn ra như thế, liệu chúng ta, những Kitô hữu, có nên tham gia vào lễ hội này nữa hay không? Điều đó mỗi người chúng ta tự tìm cho mình một câu trả lời, cũng như một lời giải thích chính đáng cho các bạn trẻ ngày nay.
________________________________________
[1] Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Người Công giáo có nên tham dự lễ hội Halloween hay không? Truy cập ngày 28.10.2019, http://www.baoconggiao.vn
Tác giả bài viết: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP