Giáo Lý Dự Tòng

Bài 01: Loài người tìm kiếm Thiên Chúa
I. LỜI CHÚA
“Từ một người, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta.”(Cv 17,26-28)
II. TRÌNH BÀY
Trong cuốn sách tựa đề là “Tự thú”, Thánh Augustino viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con luôn khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa”. Thánh nhân đã bộc lộ tâm tư khắc khoải của mình là mong mỏi gặp Chúa để được an thỏa. Hẳn đây cũng là tâm trạng của nhiều người chúng ta: KHAO KHÁT TÌM GẶP CHÚA.
1. Loài người dựa vào đâu để tìm biết Thiên Chúa?
a. Dựa vào thiên nhiên
Nhìn trời đất với trật tự lạ lùng của tinh tú, với muôn vàn kỳ diệu của trời đất, tháng năm, người ta nhận ra phải có Đấng Sáng Tạo và điều khiển vũ trụ. Ta gọi cách nhận biết này là cách nhận biết theo luật NHÂN QUẢ: nhìn hậu quả biết nguyên nhân.
b. Dựa vào những khát vọng chính đáng trong lòng người.
Những khát vọng chính đáng trong lòng cũng giúp loài người nhận biết có Thiên Chúa.
Tự đáy lòng, người ta cảm thấy mình luôn khao khát điều chân thật, điều tốt, điều đẹp (gọi là Chân – Thiện – Mỹ). Những khát vọng ấy khiến người ta suy nghĩ rằng: phải có Đấng là cội nguồn sự thật, là căn nguyên sự tốt lành và là khuôn mẫu vẻ đẹp; vì có như thế, mới giải thích được tại sao loài người có những khát vọng đó, mới lấp đầy những ước vọng tự nhiên và rất chính đáng của loài người.
c. Có cách nào khác giúp ta tìm kiếm Thiên Chúa không? (ngoài 2 khởi điểm vừa nêu trên, xuất phát từ cá nhân mỗi người).
Thưa có, đó là TÔN GIÁO. Nói chung, các tôn giáo đều giúp loài người nhận ra rằng: ngoài thế giới trần tục, còn có thế giới thần linh; ngoài thế giới hữu hình, còn có thế giới vô hình … Một số tôn giáo còn có những đóng góp tích cực hơn, giới thiệu chính Thiên Chúa cho loài người.
Riêng đạo CÔNG GIÁO giúp loài người tìm kiếm Thiên Chúa mà mình cho là bằng con đường chắn chắn và hiệu quả:
– Chắc chắn: vì đạo Công giáo do chính Thiên Chúa thiết lập. Chính Thiên Chúa sai Đức Kitô, Con của Ngài xuống trần, tỏ cho loài người con đường phải đi để gặp được Người (gọi là đạo MẠC KHẢI).
– Hiệu quả: vì cùng với việc vạch đường chỉ lối, Thiên Chúa còn cho loài người nhiều trợ lực, giúp trí khôn nhận định sáng suốt, ý chí kiên trì và tâm hồn phấn khởi trên đường tìm gặp Chúa.
2. Thiên Chúa là Đấng nào?
Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật.
Người ta còn dùng nhiều danh xưng khác để chỉ Thiên Chúa như: Đức Chúa Trời (Chúa của trời đất), Thượng Đế (Vua trên cao), Tạo Hóa, Hóa Công (Đấng sáng tạo vạn vật), Đấng Tối cao (vị cao hơn hết) … Những danh xưng như thế đều chỉ Đấng dựng nên mọi sự, Đấng làm chủ muôn loài.
III. BÀI HỌC
01. H. Thiên Chúa là Đấng nào?
T. Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, là Đấng ban hạnh phúc chân thật cho loài người.
02. H. Loài người dựa vào đâu để tìm biết Thiên Chúa?
T. Loài người dựa vào trật tự trong vũ trụ, vào những khát vọng chân chính, vào tôn giáo, cách riêng đạo CÔNG GIÁO, mà nhận biết Thiên Chúa.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Biết rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, nên tôi quyết chí chuyên chăm học giáo lý để tìm gặp Người.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, “con là người ngoại đạo, nhưng vẫn tin có Chúa ngự trên cao”[1]. Chính niềm tin đơn sơ ấy thúc giục con đi tìm Chúa.
Hôm nay, con thấy rõ hơn điều con cảm nghiệm trước kia, là khi nhìn ngắm trời đất, khi nhớ lại con có nhiều khát vọng mà lúc đạt được chẳng thấy thỏa mãn bao nhiêu, con mới xác tín rằng: Phải có Đấng Sáng Tạo muôn loài, và là Đấng ban hạnh phúc cho loài người thì cuộc đời mới trọn ý nghĩa. Xin Chúa thêm niềm hăng say để con kiên trì học biết Chúa.

Bài 02: Thiên Chúa nói với loài người
I. LỜI CHÚA
“Thiên Chúa cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô.” (Ep 1,9)
II. TRÌNH BÀY
Loài người tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực ra, chính Thiên Chúa tìm gặp loài người trước: Thiên Chúa gieo vào tâm hồn loài người một khát vọng tìm kiếm Người, rồi chính Người đến tỏ mình cho họ. Thiên Chúa tỏ mình cho loài người dưới nhiều hình thức, nhất là trong THÁNH KINH.
1. Thánh Kinh là gì?
Thánh Kinh là bộ sách cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai và Người muốn chúng ta làm gì. Bộ sách này được Thiên Chúa soi sáng cho một số người viết ra. Những người này nhận được ánh sáng Thiên Chúa từ bên trong (linh ứng) để viết ra những điều Chúa muốn. Nói cách khác, các Thánh ký (Ngôn sứ, Tông đồ, một số môn đệ…) lãnh nhận điều Thiên Chúa soi sáng trong lòng, rồi trình bày bằng chữ viết theo cách thức riêng của mình. Như thế, có thể nói rằng: ý tưởng (nội dung) là do Thiên Chúa, còn hình thức (cách diễn tả) là do các Thánh ký. Sự phân chia này khiến nhiều người gọi Thiên Chúa là Tác-giả-chính của Thánh Kinh, còn các Thánh ký là Tác-giả-phụ: “Để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người, dùng họ trong khả năng và phương tiện của họ, họ viết ra tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều Chúa muốn mà thôi” (Hc. MK 11).
2. Thánh Kinh viết từ bao giờ?
Thánh Kinh được viết trong khoảng 12 thế kỷ từ năm 1250 trước công nguyên đến năm 100 sau công nguyên, gồm phần Cựu ước và Tân ước.
– Cựu ước: là những sách viết về giao ước ký kết xưa kia giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Cựu ước có 46 cuốn.
– Tân ước: là những sách viết về giao ước ký kết sau này giữa Thiên Chúa và loài người qua Chúa Kitô. Tân ước gồm 27 cuốn.
Sau này, Hội Thánh duyệt lại các sách đó và tập hợp thành bộ sách gọi là Thánh Kinh mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Ngoài những điều được ghi chép bằng văn tự gọi là THÁNH KINH, còn nhiều điều không được ghi chép trong bộ sách ấy, nhưng vẫn được truyền tụng và được Hội thánh Công nhận, gọi là THÁNH TRUYỀN. Thánh Kinh và Thánh Truyền là nền tảng niềm tin của Hội Thánh.
3. Nội dung Thánh Kinh
Nội dung Thánh Kinh là chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chương trình được thực hiện qua từng giai đoạn như sau:
– Thiên Chúa Tình yêu dựng nên trời đất muôn vật và loài người: loài người được Chúa chăm sóc đặc biệt, được Chúa cho sống hạnh phúc ngay từ đầu.
– Để tăng thêm hạnh phúc cho loài người, Thiên Chúa thử thách họ. Họ ngã gục. Hậu quả là họ phải sống lầm than, cay cực, phải chết, mất cả hy vọng được sống hạnh phúc đời sau. Tội của nguyên tổ ảnh hưởng tới toàn thể con cháu.
– Dù sao, Thiên Chúa đã dựng nên loài người, Người không nỡ cứ để họ sống trong khổ ải. Vì thế, Người hứa ban Đấng Cứu Thế đến cứu vớt họ, dạy họ biết cách sống để lại được làm con Chúa và đáng hưởng Nước Trời.
– Để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng, huấn luyện, dạy dỗ, thanh tẩy họ. Quá trình tập huấn rất cam go. Thiên Chúa dùng các Quan án, các Vua, đặc biệt các Ngôn sứ rèn luyện họ, nhưng hầu hết họ vẫn tỏ ra bất xứng.
– Chỉ còn lại một số ít xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ, trong đó nổi bật khuôn mặt Đức Maria. Đức Maria được chọn gọi làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
– Đấng Cứu Thế đến dạy dỗ loài người về tình thương của Chúa Cha, về cách thức loài người phải tôn thờ Thiên Chúa và đối xử với nhau. Vào cuối đời, Chúa Giêsu lấy chính máu mình ký kết với loài người một giao ước, thay thế giao ước cũ Sinai.
Chúa Giêsu cũng thiết lập Hội Thánh để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Người đã khởi sự ở trần gian. Sứ mệnh của Hội Thánh cũng chính là sứ mệnh của Chúa Kitô mà Hội Thánh phải thi hành không ngừng cho đến ngày tận thế: Lúc ấy, Chúa Kitô ngự đến trong vinh quang để phán xét toàn thể vũ trụ; cũng là lúc hoàn tất chương trình cứu độ. Người dâng lên cho Thiên Chúa Cha chiến lợi phẩm đáng giá là toàn thể thế giới đã được cứu chuộc. Ngày ấy thật đáng mong đợi. Vì thế, Hội Thánh hằng kêu xin với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin hãy đến” (Kh 22,20).
III. BÀI HỌC
03. H. Thiên Chúa dùng cách thức nào để tỏ mình cho loài người?
T. Thiên Chúa dùng nhiều cách thức, nhưng cách rõ ràng nhất là Thánh Kinh.
04. H. Thánh Kinh là gì?
T. Thánh Kinh là bộ sách được linh ứng ghi chép ý định và hành động cứu chuộc loài người của Thiên Chúa. Thánh Kinh gồm 46 cuốn Cựu ước và 27 cuốn Tân ước.
05. H. Nội dung Thánh Kinh là gì?
T. Nội dung Thánh Kinh là chương trình và hành động cứu độ của Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô thực hiện. Chương trình và hành động này trải dài suốt lịch sử loài người.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Thánh Kinh là bộ sách trình bày việc Thiên Chúa cứu độ loài người. Tôi là một người cần được cứu độ. Vậy tôi quyết làm quen với Thánh Kinh bằng việc đọc và suy niệm để hiểu rõ ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, dù chưa được chính thức làm con Chúa, con vẫn đi dự Thánh lễ mỗi khi có thể. Trong Thánh lễ, mọi người chăm chú nghe đọc Thánh Kinh. Hôm nay, con mới hiểu Thánh Kinh là sách ghi lại Lời Chúa. Xin cho con biết quí mến Thánh Kinh, năng đọc và chăm chú nghe Lời Chúa.

Bài 03: Đón nhận Lời Chúa
I. LỜI CHÚA
“Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Hr 4,12), “là Lời ban ân sủng, Lời có thể xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.” (Cv 20,32)
II. TRÌNH BÀY
Thiên Chúa đã tỏ mình cho loài người cách chắc chắn qua Thánh Kinh. Nhờ Thánh Kinh, chúng ta biết được Thiên Chúa là ai, Người yêu thương ta thế nào và ta phải làm gì để đáp lại tình yêu ấy.
1. Chúng ta phải có thái độ nào đối với Thánh Kinh?
Chúng ta phải đón nhận Thánh Kinh trong tâm tình vui mừng, tạ ơn và ước muốn được Lời Chúa dạy dỗ.
– Vui mừng, vì Lời Chúa là lời tình yêu. Vì yêu thương, Chúa mời gọi chúng ta đến với Người để Người cho ta được sống hạnh phúc trong gia đình của Người. Lời mời gọi đầy yêu thương này được ghi trong Thánh Kinh.
– Tạ ơn, vì Thiên Chúa cao cả đã ban cho loài người hèn mọn những phương tiện thiết yếu và chắc chắn để nhận biết, yêu mến và phụng thờ Người. Những phương tiện ấy được ghi trong Thánh Kinh.
– Ước muốn được dạy dỗ: Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh ký ghi lại vì phần rỗi chúng ta. Bởi vậy, “mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”. (2 Tm 1,16-17; Hc MK 11)
2. Ta phải đọc Thánh Kinh thế nào?
a. Phải đọc Thánh Kinh trong đức tin với tâm tình khiêm tốn đơn sơ: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và nâng cao kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52):
– Đọc trong ước muốn được dạy dỗ: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1 Sm 3,10).
– Và sẵn sàng thực hiện điều Chúa dạy: “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).
b. Phải đọc trong Hội Thánh: Lối hành văn của Thánh Kinh nhiều khi khác với lối hành văn Việt ngữ, cả cách lý luận, trình bày tư tưởng cũng có thể xa lạ đối với người Việt Nam. Do đó, phải đọc Thánh Kinh theo hướng dẫn của Hội Thánh chứ không theo ý kiến riêng của mình hay một cá nhân nào, nhất là trong những điểm khó hiểu.
III. BÀI HỌC
06. H. Ta phải đón nhận Thánh Kinh thế nào?
T. Ta phải đón nhận Thánh Kinh trong tâm tình vui mừng, tạ ơn.
07. H. Ta phải đọc Thánh Kinh thế nào?
T. Ta phải đọc Thánh Kinh trong đức tin với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, trong ước muốn được dạy dỗ và sẵn sàng thực hiện điều Chúa dạy.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Vì yêu thương, Thiên Chúa gặp gỡ loài người. Người nói với tôi qua Thánh Kinh. Tôi đón nhận Lời Người trong tâm tình vui mừng, tạ ơn và hân hoan học hỏi theo sự hướng dẫn của Hội Thánh để Lời Chúa sinh hoa trái trong đời tôi.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, hôm nay con hiểu rằng, Thánh Kinh là ánh sáng soi cho đời sống. Xin cho con thành tâm lắng nghe Lời Chúa và tập biết sống theo Lời Chúa dạy bảo.
SHARE THIS:

Bài 04 Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật và loài người
I. LỜI CHÚA
“Thiên Chúa phán: Chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh Chúng ta, giống như Chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (Kn 1,26)
II. TRÌNH BÀY
Vào một lúc nào đó trong cuộc đời (sau một thất bại, trong cơn đau bệnh dai dẳng, khi bị phản bội … ), nhiều người tự đặt câu hỏi: loài người bởi đâu mà có? Tôi sống ở đời này để làm gì? Chết rồi đi đâu? Trời đất tự nhiên mà có sao?…
Khoa học, triết học, tôn giáo, cả những suy luận bình dân đều muốn trả lời các vấn nạn trên.
Đạo Công giáo, tôn trọng ý kiến mỗi người, tôn trọng niềm tin của các tôn giáo. Tuy nhiên, dựa vào mạc khải, đạo Công giáo có những xác tín sau đây:
1. Vũ trụ bởi Thiên Chúa mà có
– Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa dùng quyền năng mình mà dựng nên vũ trụ. Từ ngữ “dựng nên” khác với “chế tạo”. “Chế tạo” là dùng vật liệu đã có làm thành cái khác. “Dựng nên” là từ “ không” làm cho “có”: Chỉ Thiên Chúa mới có khả năng “dựng nên”, còn loài người thì “chế tạo”. Thiên Chúa phán một lời, các vật thể lần lượt xuất hiện.
– Các sinh vật xuất hiện thế nào trên trái đất?
Thánh Kinh không trực tiếp giải đáp vấn nạn này, mà qua một số hình ảnh trong sách Khởi Nguyên (Kn 1), Thánh Kinh có ý dạy rằng: cả sự sống trên trái đất cũng do Thiên Chúa dựng nên.
– Vũ trụ được dựng nên vì loài người và cho loài người.
Thiên Chúa dựng nên vũ trụ để loài người có nơi cư ngụ, có thực phẩm nuôi sống. Vũ trụ vật chất là cái nôi, là nguồn cung cấp lương thực cho loài người.
2. Thế còn loài người?
Loài người cũng do Thiên Chúa dựng nên. Thánh Kinh dùng những hình ảnh như: Thiên Chúa lấy bùn đất nặn nên một thân xác, hà hơi vào cho thân xác ấy sống động, là có ý nói: loài người gồm có hồn và có xác. Xác là vật chất nên sẽ tiêu tan theo luật vật chất. Còn linh hồn thì thiêng liêng và bất tử.
Loài người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Kinh ghi lại rằng trước khi dựng nên loài người, Thiên Chúa suy nghĩ rồi quyết định: “Chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (Kn 1,26). Cách diễn tả này vừa nói lên Thiên Chúa quan tâm đặc biệt khi dựng nên loài người, vừa nói lên loài người có phẩm giá rất cao quí, vì là hình ảnh của Thiên Chúa.
a. Loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nhờ có lý trí, ý chí, tự do (do đó có trách nhiệm và có thưởng phạt).
b. Người nữ cũng do Thiên Chúa tác thành, cùng phẩm giá và bình đẳng với người nam.
c. Hôn nhân là cách thế tự nhiên giúp đôi bạn phát triển nhân cách, xây dựng xã hội và Hội Thánh.
Loài người được tham dự hạnh phúc của Thiên Chúa. Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa đặt nguyên tổ loài người sinh sống trong vườn địa đàng, làm chủ và hưởng dùng mọi tạo vật. Điều đó nói lên loài người được tham dự hạnh phúc của Thiên Chúa.
d. Ở đời này, loài người sống và thực hiện thánh ý Thiên Chúa (biến cải vũ trụ thêm xinh đẹp hơn, nhận biết Thiên Chúa là Cha, xây dựng đời sống cộng đồng trong yêu thương).
e. Ở đời sau, loài người được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Như vậy, loài người là chủ thế giới hữu hình do Thiên Chúa dựng nên, có sứ mệnh nhận biết, tôn thờ, yêu mến Người, yêu thương hòa thuận với nhau như anh em trong một nhà, để được hạnh phúc vĩnh cửu.
3. Ngoài tạo vật hữu hình, Thiên Chúa còn dựng nên loài nào nữa không?
Thiên Chúa còn dựng nên loài vô hình là các THIÊN THẦN. Các Thiên thần có nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa, thực hành mệnh lệnh của Người.
Thiên Chúa cũng dự định cho các Thiên thần được hưởng hạnh phúc đời đời. Tiếc thay, một số đã phản loạn, nên bị phạt hỏa ngục, gọi là MA QUỶ. Chính ma quỷ xúi giục nguyên tổ Ađam – Evà phạm tội, gây nên tình trạng khổ cực cho ông bà và con cháu. Ngày nay, ma quỷ luôn cám dỗ ta phạm tội mất lòng Chúa như lời thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thực, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 P 5,8-9).
III. BÀI HỌC
08. H. Trời đất muôn vật bởi đâu mà có?
T. Trời đất muôn vật bởi Thiên Chúa dựng nên.
09. H. Loài người là loài nào?
T. Loài người là loài có linh hồn và xác, Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Người, cho làm chủ vũ trụ và hưởng hạnh phúc đời đời.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Nhờ Thánh Kinh, tôi biết Thiên Chúa dựng nên loài người có phẩm giá cao quí. Tôi quyết tâm sống ngay thẳng thật thà và bảo vệ sự sống.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con theo hình ảnh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Chúa. Amen.

Bài 05: Loài người sa ngã – Tội – Lời hứa cứu độ
I. LỜI CHÚA
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (Kn 3,15)
II. TRÌNH BÀY
Loài người có lý trí, ý chí và tự do nên phải chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình: Làm lành thì được thưởng, làm dữ thì bị phạt.
Thánh Kinh cho biết tình trạng và số phận của loài người như sau:
1. Hạnh phúc ban đầu
Sau khi dựng nên loài người, Thiên Chúa cho ở trong vườn địa đàng. “Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eden, khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon với cây trường sinh ở giữa vườn” (Kn 2,8-9) là kiểu nói mô tả cuộc sống hạnh phúc ban đầu ấy. Ở tình trạng nguyên thủy này, loài người có trí khôn minh mẫn, ý chí hướng về điều lành, không phải đau khổ, không phải chết.
2. Loài người sa ngã
Thánh Kinh thuật lại rằng Thiên Chúa đã đặt nguyên tổ Ađam – Evà trong tình trạng thử thách, để ông bà có cơ hội tỏ lòng tuân phục Thiên Chúa và biểu lộ thái độ hiếu thảo của con cái. Hình ảnh “con rắn và trái cấm” mô tả cách bình dân cuộc thử thách đó. Ông bà đã sa ngã. Căn bản tội phạm này là: “Tạo vật không tuân phục Tạo Hóa”. Thiên Chúa căn dặn: “Ngày nào ăn trái cây đó, ngươi sẽ phải chết”. Ông bà biết đó là lệnh cấm nghiêm ngặt, nhưng vì Satan phỉnh gạt “không chết đâu: Thiên Chúa biết ngày nào ăn, ông bà sẽ được bằng Thiên Chúa”. Tội kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa làm đảo lộn cuộc sống hiện tại và tương lai của ông bà và con cháu: Ông bà bị đuổi khỏi vườn địa đàng, phải chết. Điều tai hại nhất, là Ông bà và con cháu mất tình thuận thảo với Thiên Chúa, mất hy vọng sống hạnh phúc mai sau, phải trầm luân hỏa ngục đời đời.
3. Tội
Tội phản bội Thiên Chúa của nguyên tổ Ađam – Evà, gọi là tội TỔ TÔNG. Tội này tác hại khủng khiếp trên con cháu: mất vinh dự làm con Chúa, không được thừa hưởng gia tài mai sau, làm cho lý trí tối tăm, ý chí suy nhược, tình dục nổi loạn; thúc đẩy loài người tiếp tục làm trái lệnh Thiên Chúa: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, lười biếng.
Loài người càng đông, tội càng lan tràn… tới độ Thiên Chúa phải thanh tẩy mặt đất bằng những tai họa.
Ngoại trừ Đức Maria được Thiên Chúa gìn giữ làm Mẹ Chúa Cứu Thế sau này, còn tất cả loài người đều bị liên lụy bởi tội tổ tông, tất cả trở thành tội nhân trước mặt Chúa.
Có người hỏi: Tại sao Ađam – Evà phạm tội mà con cháu phải chịu lây? Thưa, vì Ađam – Evà đứng đầu loài người, đại diện loài người. Nếu như Ađam – Evà trung thành giữ luật Chúa, cả loài người được hạnh phúc. Giờ đây, ông bà bất tuân lệnh Chúa, thì con cháu bị liên lụy, là điều hợp lý. Mặt khác, chính tội riêng của mỗi người làm tình trạng này trở nên bi đát hơn.
Như thế, loài người sinh ra ở trần gian này vừa mắc tội tổ tông, vừa có tội riêng.
4. Lời hứa cứu độ
Tuy nhiên, lòng Chúa xót thương thật hải hà nên sau khi tuyên phạt ông bà, Thiên Chúa đã phán một lời đầy hy vọng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi (con rắn cám dỗ) và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (Kn 3,15). Lời này chỉ về người Con của Mẹ Maria là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà suốt thời Cựu ước, các ngôn sứ đã loan báo.
III. BÀI HỌC
10. H. Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ cuộc sống nào?
T. Thiên Chúa ban cho nguyên tổ cuộc sống được làm con Chúa và nhiều đặc ân khác.
11. H. Nguyên tổ có được hạnh phúc ấy mãi không?
T. Không, vì nguyên tổ đã trái lệnh Chúa, nên mất hạnh phúc, chuốc lấy muôn vàn hậu quả tai hại cho mình và con cháu.
12. H. Tội là gì?
T. Tội là sự lỗi luật Chúa và Hội Thánh trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.
13. H. Thiên Chúa có thái độ nào khi nguyên tổ phạm tội?
T. Thiên Chúa đã nghiêm phạt nguyên tổ, nhưng vẫn một lòng thương xót, hứa ban ơn cứu độ.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Xét bản thân, tôi thấy mình phạm nhiều tội lỗi. Vậy tôi quyết chí sống khiêm hạ và thận trọng trong mọi cảnh huống để được Chúa tha thứ tội lỗi và xứng đáng hưởng ơn cứu độ.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con không dám trách cứ nguyên tổ nữa, vì chính tội lỗi con cũng đáng Chúa luận phạt rồi… Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của con, cho con biết cải thiện cuộc sống để xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Bài 06: Thiên Chúa chọn các Tổ phụ và lập dân riêng
I. LỜI CHÚA
“Đức Chúa phán với ông Ap-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” (Kn 12,1-3)
II. TRÌNH BÀY
Tình thương cứu độ phải đến với từng người. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn cứu độ loài người một cách riêng rẽ, thiếu liên kết; nhưng muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết và phụng sự Người (x.Hc. HT 11). Vì thế, Thiên Chúa đã dành một thời gian dài để chuẩn bị thực hiện kế hoạch cứu độ: khoảng 2000 năm trước công nguyên, Thiên Chúa đã gầy dựng một dân tộc bắt đầu với Tổ phụ Abraham.
1. Các Tổ phụ
a. Abraham: Abraham sống ở Mêsôpôtamia, khoảng 1800 năm trước công nguyên. Một hôm, Thiên Chúa phán với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Canaan Ta sẽ chỉ cho người” (Kn 12,1-3). Abraham vâng lệnh Chúa, bỏ đất Haran là quê hương, đến lập cư ở Canaan. Tại đây, Thiên Chúa đòi ông sát tế người con độc nhất là Isaac. Một thử thách lớn về lòng tin. Abraham vẫn tin vào Lời Chúa hứa. Vì thế, ông xứng đáng được gọi là “Cha các kẻ tin” và trở thành Tổ phụ dân tộc Israel, một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm dân riêng.
b. Giacop: Giacop là cháu Abraham. Giacop được Thiên Chúa chọn gọi và đổi tên thành Israel. Ông sinh được 12 người con trai làm đầu 12 chi tộc Israel. Khi nạn đói hoành hành ở Canaan, đại gia đình Giacop di cư sang Ai cập. Biến cố bất hạnh này trói buộc Israel dưới ách nô lệ Ai cập hơn 400 năm, bị muôn ngàn đau khổ cho tới khi Thiên Chúa sai Môsê giải thoát họ.
c. Môsê: Môsê sinh vào khoảng năm 1225 trước công nguyên. Ông là khuôn mặt nổi bật trong hàng các Tổ phụ do sứ mệnh cao cả và công lao lẫy lừng của ông. Chính Môsê tháo xiềng xích nô lệ Ai cập cho dân, hướng dẫn dân tới đất hứa sau 40 năm hành trình trong sa mạc dù chính ông không được vào đất hứa.
2. Thành lập dân riêng
Với sứ mệnh giải thoát Israel khỏi cảnh nô lệ Ai cập, ngày ra đi được đánh dấu bằng bữa tiệc VƯỢT QUA với thịt chiên nướng. Máu chiên bôi lên cửa làm dấu; nhờ dấu này, con đầu lòng người Israel được an toàn.
Từ đó hàng năm người Israel phải kỷ niệm ngày Vượt Qua này. Về sau, Chúa Giêsu đã hiến dâng mình như Chiên Vượt Qua. Người là Chiên Vượt Qua đích thực vì chính Người sẽ giải thoát loài người khỏi nô lệ tội lỗi.
Sau tiệc, Israel vội vã lên đường. Nước Biển Đỏ rẽ đôi để họ băng qua bằng yên.
Đây là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Israel.
Mười hai chi tộc Israel tiến dần về Sinai. Ở đây, một biến cố quan trọng khác xảy ra: Thiên Chúa giao ước với Israel.
Qua Môsê, Thiên Chúa ban cho dân 10 giới luật. Môsê còn lập luật qui định đời sống tôn giáo, luân lý, xã hội của dân. Israel trở thành một dân có tổ chức.
Khi vào đất hứa, chính Thiên Chúa hướng dẫn dân Người qua các thẩm phán rồi đến các vua, mà nổi nhất là vua Đavit. Thiên Chúa hứa cho Đavit một triều đại vững bền và một người trong dòng dõi ông sẽ làm vua mãi mãi: Đó là Đấng Cứu Thế.
III. BÀI HỌC
14. H. Thiên Chúa đã bắt đầu công cuộc cứu chuộc thế nào?
T. Thiên Chúa đã chọn gọi Abraham làm Tổ phụ dân riêng của Người.
15. H. Thiên Chúa chọn gọi Môsê khi nào?
T. Thiên Chúa chọn gọi Môsê khi dân Israel làm nô lệ ở Ai cập để giải phóng dân Người và đưa họ về đất hứa.
16. H. Khi vào đất hứa, dân Israel được hướng dẫn thế nào?
T. Khi vào đất hứa, chính Thiên Chúa hướng dẫn dân Người qua các thẩm phán rồi đến các vua mà nổi bật nhất là vua Đavit.
17. H. Thiên Chúa hứa với Đavit điều gì?
T. Thiên Chúa hứa thiết lập cho Đavit một triều đại vững bền và một người trong dòng dõi ông sẽ làm vua mãi mãi: Đó là Đấng Cứu Thế.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Để xứng đáng lãnh nhận Chúa Cứu Thế, loài người phải được chuẩn bị lâu dài. Tôi quyết tâm dùng thời gian dự tòng này sửa soạn trí khôn và tâm hồn để xứng đáng được Chúa thương nhận làm con trong gia đình Hội Thánh.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, chính Chúa thành lập và hướng dẫn dân riêng. Ngày chịu phép Rửa tội, con sẽ được chính thức gia nhập dân Chúa. Ngay từ hôm nay, xin Chúa giúp con biết mau mắn tuân theo các hướng dẫn của Hội Thánh để xứng đáng là công dân Nước Chúa.

Bài 07: Thiên Chúa thiết lập Giao Ước và ban lề luật
I. LỜI CHÚA
“Thiên Chúa phán: “Các ngươi thấy Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh dành riêng cho Ta”. Toàn dân nhất trí đáp lại: “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo.” (Xh 19,4-8)
II. TRÌNH BÀY
Khi ra khỏi Ai cập, Israel còn là toán dân ô hợp, vô tổ chức. Cần phải chỉnh đốn lại, tập cho họ biết sống cộng đồng. Vì thế, Thiên Chúa thiết lập với họ giao ước và ban lề luật:
1. Thiết lập giao ước
Dân Thiên Chúa được hình thành từng bước. Bước quan trọng đầu tiên là thiết lập GIAO ƯỚC. Giao ước là lời cam kết đôi bên về một việc nào đó, bao gồm quyền lợi và nghĩa vụ đôi bên phải thực hiện cho nhau.
Thiên Chúa đã thiết lập với Israel một giao ước tại núi Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa nhận Israel làm dân riêng của Người, còn Israel tuyên nhận Thiên Chúa là Chúa độc nhất phải tôn thờ và vâng phục.
Đây là giao ước do sáng kiến của Thiên Chúa đối với Israel tuy không bình đẳng, nhưng vẫn là giao ước đủ tính pháp lý vì có sự chấp nhận rõ rệt và tự do về phía Israel: “Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo” (Xh 19,8). Đây còn là lời cam kết quan trọng chi phối cả đời sống tôn giáo lẫn chính trị của Israel: vận mệnh thịnh suy của dân tộc này tùy thuộc mức độ tuân giữ lời cam kết ấy.
Lịch sử chứng minh: nhiều lần Israel tỏ ra bất trung với giao ước. Do đó, một giao ước mới sẽ thiết lập với toàn thể loài người trong Máu Chúa Kitô (x. Lc 11,25).
2. Ban lề luật
Cùng với việc thiết lập giao ước nhận Israel làm dân riêng, Thiên Chúa ban lề luật để dân sống hạnh phúc. Lề luật này được chép trong Ngũ thư gồm các giáo huấn, mệnh lệnh và ý định của Thiên Chúa.
Nhờ lề luật, Israel biết cách thờ Thiên Chúa là Chúa độc nhất, biết tôn kính danh Người; nhờ lề luật, Israel học cách cư xử với tha nhân, thảo kính cha mẹ, yêu thương mọi người, tôn trọng danh dự và tài sản người khác, biết bảo trọng bản thân là “hình ảnh Thiên Chúa”.
Như vậy, luật được ban bố để hướng dẫn cách sống cụ thể của toàn dân cũng như từng cá nhân. Luật được đặt ra vì hạnh phúc loài người. Ai giữ luật, người ấy đi trong đường lối của Thiên Chúa, gặt hái được niềm vui và hạnh phúc cho chính mình, như lời Thánh Kinh: “Xin cho tôi vững bước đi trên nẻo đường lệnh truyền vì nó là nguồn vui sống của tôi” (Tv 119,35).
III. BÀI HỌC
18. H. Thiên Chúa đã ký kết gì với Israel?
T. Thiên Chúa đã ký kết với Israel một GIAO ƯỚC tại núi Sinai.
19. H. Thiên Chúa cam kết những gì với Israel?
T. Thiên Chúa cam kết nhận Israel làm dân riêng của Người, chăm sóc và hướng dẫn vận mệnh toàn dân.
20. H. Israel cam kết gì với Thiên Chúa?
T. Israel cam kết tôn thờ Thiên Chúa là Chúa độc nhất và vâng giữ mọi luật Người truyền.
21. H. Luật Môsê được ghi chép ở đâu?
T. Luật Môsê được ghi chép trong Ngũ thư, tức là 5 cuốn sách đầu của bộ Thánh Kinh: Khởi nguyên, Xuất hành, Dân số, Lêvi và Thứ luật.
22. H. Luật Môsê gồm những gì?
T. Luật Môsê gồm các giáo huấn, mệnh lệnh và ý định của Thiên Chúa, giúp dân biết cách tôn thờ Thiên Chúa, cư xử với tha nhân và chính mình.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Qua giao ước Sinai, tôi nhận biết Thiên Chúa đã buộc Israel phải trung thành với Người. Tôi quyết tâm thực hiện mọi lời cam kết.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con biết giao ước và lề luật của Chúa. Con biết giao ước và lề luật đó thật tốt lành. Xin giúp con thành tâm yêu mến và thi hành giới răn Chúa

Bài 08: Thiên Chúa chọn gọi các Ngôn sứ
I. LỜI CHÚA
“Thiên Chúa phán: này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con đến.” (Mc 1,2; Mt 3,1)
II. TRÌNH BÀY
Thiên Chúa đã chọn gọi và sai các Ngôn sứ đến với dân Israel để tiếp tục huấn luyện họ trung thành với giao ước và xứng đáng lãnh nhận Đấng Cứu Thế đã hứa.
1. Ngôn sứ là ai?
Ngôn sứ, theo tiếng Hipri – “na-bi” – có nghĩa là “người được gọi, người loan báo”, như trường hợp của Êlia, Isaia, Jêrêmia, Êzêkiel… Thiên Chúa đã tuyển chọn các ngài như những người thân thiết của Chúa để truyền đạt Lời Người cho dân riêng: khi dân đi sai đường lối Chúa, các Ngôn sứ nhắc nhở, khuyến cáo họ trở về cùng Thiên Chúa; khi dân cố chấp trong đường lối sai lầm, các Ngôn sứ đe loi, tiên báo các tai họa sẽ đến; trong thời lưu đày, khi dân thất vọng buông xuôi, Ngôn sứ kêu gọi họ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai cập xưa cũng sẽ đoái thương giải thoát họ…; khi dân mệt mỏi vì mong chờ Đấng Cứu Thế mà chẳng thấy, Ngôn sứ loan báo ngày Đấng Thiên sai sẽ đến thực hiện ơn cứu độ.
2. Nội dung chính của sứ điệp các Ngôn sứ
Các Ngôn sứ mang đến cho dân sứ điệp của Thiên Chúa mà nội dung chính yếu là:
a. Nhắc nhở dân tuân giữ giao ước đã ký với Thiên Chúa: Ngôn sứ cảnh tỉnh dân và đòi buộc dân phải trở về tuân giữ giao ước. Qua Ngôn sứ, Thiên Chúa giáo dục dân và tuyên hứa sẽ ban Đấng Thiên sai và Nước Thiên Chúa.
b. Loan báo ơn cứu độ: qua những biến cố thời cuộc, những phản bội của dân, các Ngôn sứ loan báo về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Lời loan báo này dần dần được sáng tỏ với những chi tiết cụ thể:
– Sinh bởi một Trinh Nữ (x. Is 7,14).
– Sinh tại Bêlem, thành vua Đavit (x. Mic 5,2).
– Công việc của Đấng Thiên sai: chữa người mù, què, câm, điếc, rao giảng Tin mừng cho người nghèo khổ, loan báo năm Hồng ân và ngày giải thoát (x. Is 61).
– Chúa Cứu thế sẽ chết và sống lại thế nào (x. Is 53).
3. Số lượng các Ngôn sứ
Thánh Kinh Cựu ước ghi nhận 16 Ngôn sứ mà 4 vị lớn là Isaia, Jêrêmia, Êzêkiel và Daniel.
Gioan Tẩy Giả là vị Ngôn sứ nối kết thời Cựu ước với thời Tân ước. Vinh dự lớn nhất của ông là được thấy và giới thiệu Chúa Cứu Thế cho người đương thời.
III. BÀI HỌC
23. H. Ngôn sứ là ai?
T. Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa chọn để sai đi loan truyền Lời Chúa cho dân Người.
24. H. Các Ngôn sứ đã nói gì với dân Chúa?
T. Các Ngôn sứ đã nói những điều chính yếu này:
– Nhắc nhở cho dân nhớ các điều họ đã cam kết với Thiên Chúa trong giao ước.
– Loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa sẽ thực hiện qua Đấng Cứu Thế.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Xưa kia, dân Israel được các Ngôn sứ dạy dỗ chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế. Ngày nay, tôi sẵn sàng nghe lời hướng dẫn của các thừa tác viên trong Hội Thánh.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Chúa hằng sai các sứ giả đến hướng dẫn dân Chúa. Xin cho con biết mau mắn đón nhận lời giảng dạy của Hội Thánh.

Bài 09: Chúa Giêsu sinh ra
I. LỜI CHÚA
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người. Vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý.” (Ga 1,14)
II. TRÌNH BÀY
Lời Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế tại vườn địa đàng xưa kia, cuối cùng đã được thực hiện:
1. Truyền tin
Ngày ấy, Sứ thần Gabriel hiện đến với Trinh Nữ Maria và chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ơn phúc. Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Maria bỡ ngỡ trước lời chào đó, không biết có ý nghĩa gì. Sứ thần giải thích: “Bà đừng sợ, Bà sẽ làm Mẹ một Hài nhi, đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao trọng và là Con Thiên Chúa”. Khi đã hiểu được đó là thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đáp lại: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời Sứ thần nói”. Ngay sau tiếng XIN VÂNG của Mẹ, Ngôi Hai xuống thế làm người.
Mầu nhiệm nhập thể này thật cao cả, nhưng ta tin vì Thiên Chúa đã tỏ ra cho ta. Biến cố Truyền Tin đã xảy ra đúng như lời Ngôn sứ Isaia tiên báo từ hơn 600 năm trước: “Một Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, gọi là EMMANUEL, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7,14).
2. Giáng sinh
Lễ Giáng sinh có muôn đèn sao lấp lánh, máng cỏ xinh xinh, các bài Thánh ca dìu dặt vang khắp xóm làng, từng dòng người chảy về khu Thánh đường đêm 24.12 hàng năm… Đây là lễ hội lớn của người Công giáo mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa giáng trần. Chính lòng yêu mến Chúa Hài đồng đã tạo nên khung cảnh huyền diệu nô nức ấy. Thực ra, đêm Chúa ra đời thì hoàn toàn nghèo nàn, giá lạnh…
Việc Chúa giáng sinh xảy ra như sau:
Khi ấy có lệnh Hoàng đế Augustô truyền dân Israel phải về bản quán đăng ký hộ khẩu.
Ông Giuse đem bạn mình là Maria, lúc ấy có thai 9 tháng, về Giêrusalem vì ông thuộc Hoàng tộc Đavit. Kinh thành trở nên chật chội đông đúc. Ông bà không tìm được quán trọ, đành tạm trú trong chuồng súc vật ngoài đồng. Giữa đêm khuya, Maria hạ sinh Hài nhi, Bà lấy tã quấn đặt trong máng cỏ. Gần đó, có các mục đồng canh giữ đàn chiên. Thiên thần hiện đến báo tin vui. Họ hối hả tìm kiếm và đã thấy “Con Trẻ mới sinh bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ như Thiên thần báo trước”. Họ vui mừng trở về thuật lại cho mọi người tất cả mọi điều đã xảy ra. Cùng lúc, trên thiên cung vang lên tiếng hát Thiên thần:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Ít lâu sau, cũng có mấy đạo sĩ từ phương Đông đến kính viếng. Họ nói là đã thấy sao lạ trên bầu trời, và luận ra đó là dấu chỉ một tân vương xuất hiện. Vì thế họ đến thờ lạy và dâng lễ vật.
Sau cuộc viếng thăm này, hai ông bà lật đật ẵm Hài nhi chạy trốn sang Ai cập vì bạo chúa Hêrôđê đang tìm giết.
3. Đâu là lý do khiến người có đạo ngày nay mừng lễ Giáng sinh lớn như vậy?
Người có đạo tin rằng Hài nhi Giêsu chính là Đấng Cứu Thế Thiên Chúa đã hứa khi tuyên phạt nguyên tổ, là Đấng muôn dân mong đợi và là Đấng các Ngôn sứ đã từng loan báo:
a. Trước đó hàng ngàn năm, các Ngôn sứ đã loan báo về Hài nhi này:
– Về nơi sinh: “Phần ngươi, hỡi Betlem Ephrata nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta, Vị có sứ mệnh thống lĩnh sơn hà Israel” (Mi 5,1).
– Về Mẹ Hài nhi: “Này, cô nương sẽ thụ thai và sinh con” (Is 7,14).
– Về tên Hài nhi: “Và Bà sẽ gọi tên con là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7,14).
b. Sau này, khi người tín hữu đọc lại hạnh tích Chúa Cứu Thế, suy gẫm đời sống, các bài giảng, các phép lạ, nhất là cái chết đau thương trên thập giá của Người để cứu họ, họ cảm mến sâu xa tình Chúa yêu họ. Vì thế ngày Chúa sinh ra phải mừng kỷ niệm hết sức long trọng.
III. BÀI HỌC
25. H. Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến loan tin gì cho Đức Maria?
T. Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến làng Nazareth loan báo cho Đức Maria: “Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một Con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31).
26. H. Lễ Giáng sinh là lễ nào?
T. Lễ Giáng sinh là lễ người Kitô hữu mừng kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem trong nước Do thái.
27. H. Ta phải có tâm tình nào khi mừng lễ Giáng sinh?
T. Ta phải cảm mến sâu xa tình Chúa yêu ta và biết yêu thương mọi người.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Khi nhận ra dấu hiệu cho biết Chúa Giêsu sinh ra, các Đạo sĩ đã không quản ngại đường xa dặm thẳm tìm đến để thờ lạy và dâng lễ vật. Tôi cũng phải lướt thắng mọi khó khăn do bản thân, gia đình, bạn bè… gây nên, để kiên trì kiếm tìm Chúa.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, dù chưa được diễm phúc vào Đạo, con đã cảm thấy vui sướng khi dự lễ Giáng sinh. Xin cho con được sớm trở thành con Chúa để hưởng trọn niềm vui ngày Con Chúa giáng trần.


Bài 10: Chúa Giêsu sống ẩn dật
I. LỜI CHÚA
“Chúa Giêsu theo cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài, ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.” (Lc 2,51-52)
II. TRÌNH BÀY
Khi nghe tin Hêrôđê qua đời, thánh Giuse và Đức Mẹ đưa Chúa Giêsu trở về Palestina lập cư ở Nazareth.
1. Gia đình thánh tại Nazareth
Đây là một gia đình nghèo: thánh Giuse, người gìn giữ Đấng Cứu Thế, làm nghề thợ mộc. Mẹ Maria lo việc nội trợ. Chúa Giêsu lớn lên trong cảnh đơn nghèo, được giáo dục như các trẻ cùng trang lứa, nhất là học hỏi Thánh Kinh. Người học nghề thợ mộc với thánh Giuse. Người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu cuộc sống, thích quan sát sinh hoạt hằng ngày. Những bài giảng sau này, nhất là các dụ ngôn, chứng tỏ Chúa Giêsu có tâm hồn đáng quí như thế.
2. Có biến cố nào nên ghi nhớ trong thời gian này không?
Thưa có biến cố Chúa Giêsu ở lại Giêrusalem. Năm ấy, lúc 12 tuổi, Chúa Giêsu theo thánh Giuse và Đức Maria lên Đền thờ mừng lễ vượt qua. Những ngày lễ hội bế mạc, ai nấy trở về nhà mình. Phần thánh Giuse và Đức Maria, sau một ngày đường, các Ngài chợt nhận ra không thấy Chúa Giêsu đâu, hoảng hốt hỏi han hết toán này đến toán khác mà không thấy, đành phải trở lại Đền thờ. Hai ông bà thấy Chúa Giêsu ngồi nói chuyện với đông đảo thầy luật sĩ. Vừa mừng vừa cảm động, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu rằng: “Con ơi, sao con làm khổ cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đã phải cực lòng tìm con”. Chúa Giêsu trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,48-49).
Câu trả lời bí nhiệm này, lúc đó hai ông bà chưa hiểu được.
Thế rồi, Chúa Giêsu theo cha mẹ trở về Nazareth. Người hằng vâng phục Đức Mẹ và thánh Giuse.
3. Cuộc sống âm thầm của Thánh gia thất dạy ta điều gì?
Dạy ta nhiều điều, chẳng hạn: dạy ta biết yêu quí đời sống bình dị, đơn giản, dạy ta yêu lao động, mến chuộng đời sống gia đình, dạy ta chu toàn bổn phận đối với cha mẹ, đối với Thiên Chúa….
Tóm lại, 30 năm âm thầm Nazareth ví như thời gian gieo giống: Chúa Giêsu là hạt giống mà Chúa Cha âm thầm gieo vào thế gian. Hạt giống này từ từ mọc lên ngả rợp bóng trên toàn thể loài người, sinh hoa kết trái, trở thành lương thực nuôi sống loài người.
III. BÀI HỌC
28. H. Gia đình Nazareth gồm những ai?
T. Gia đình Nazareth gồm thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu.
29. H. Chúa Giêsu làm gì ở Nazareth?
T. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện, học hỏi Thánh Kinh, làm việc, vâng lời Đức Maria và thánh Giuse.
30. H. Đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth dạy ta điều gì?
T. Dạy ta biết yêu cuộc sống bình dị, đơn giản, yêu lao động, chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa, cha mẹ và mọi người.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, mà đã biết sống vâng phục, khó nghèo trong gia đình Nazareth. Tôi quyết tâm tạo bầu khí thuận hòa, êm ấm trong gia đình tôi.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con được ngắm gia đình Chúa ở Nazareth xưa đầy yêu thương và hạnh phúc. Xin cho gia đình con được thuận hòa, yêu thương.


Bài 11: Chúa Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa
I. LỜI CHÚA
“Sau khi ông Gioan bị bắt giam, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng.” (Mc 1,14-15)
II. TRÌNH BÀY
Sau thời gian dài sống âm thầm tại Nazareth, Chúa Giêsu rời gia đình, đi rao giảng Tin mừng và thực hiện ơn cứu độ.
1. Gioan Tẩy Giả dọn đường
Ngôn sứ Gioan kêu gọi sám hối, làm Phép Rửa để dọn đường Chúa đến. Ông giới thiệu Chúa cho mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Rồi ông rút lui vào bóng tối, nhường chỗ cho Chúa Giêsu, ông nói: “Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
2. Chúa Giêsu rao giảng ở đâu?
Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào sa mạc, ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, chịu ma quỷ cám dỗ và toàn thắng. Sau đó, Người rời bỏ sa mạc, đi khắp xứ Galilêa giảng về nước Thiên Chúa. Tại đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã công bố nhiều chân lý quan trọng về chính mình.
3. Nước Thiên Chúa là gì?
Chúa Giêsu rao giảng nước Thiên Chúa đã gần đến. Tuy nhiên, nước Thiên Chúa là gì thì Người lại không định nghĩa rõ ràng. Người chỉ dùng hình ảnh để diễn tả: Nước Thiên Chúa giống như cánh đồng lúa mọc lẫn cỏ lùng, hạt cải, men, của báu, ngọc quí, lưới cá… (x. Mt 13). Chính vì thế, người Israel đồng thời với Chúa Giêsu hiểu rất hàm hồ về Nước này. Các Tông đồ cũng hiểu lầm. Dù sao, những hình ảnh đó cho thấy Nước Thiên Chúa không phải là ảo tưởng mà có thực và đang đến. Dấu hiệu Nước Thiên Chúa đang đến đã được Chúa Giêsu tiết lộ: Xua đuổi ma quỷ và chữa lành bệnh nhân (x. Mc 1,54).
4. Nước Thiên Chúa đã đến chưa?
Nước Thiên Chúa không còn xa xôi, cũng không còn là một lời hứa. Nước Thiên Chúa đã hình thành trong trần gian qua sự hiện diện của Chúa Giêsu, đã đến cùng với Chúa Giêsu. Chính Người thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian. Nước này đã thành hiện thực trong con người của Người. Ai tin, sám hối và đón nhận Người là đã vào Nước Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói với dân chúng về sự hiện diện của Người: “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mt 4,17).
5. Phải làm gì để đón nhận Nước Thiên Chúa?
Phải sám hối và tin vào TIN MỪNG.
Sám hối là hối hận về các điều sai trái đã làm và quyết không tái phạm nữa. Ở đây sám hối là bỏ cách sống trước đó không phù hợp với giáo lý Đạo Chúa.
Tin vào Tin mừng là tin vào những điều Chúa Giêsu dạy được ghi lại trong Thánh Kinh; là tin vào chính Đức Giêsu, vì Chúa Giêsu là TIN MỪNG to lớn nhất, như Thiên thần đã báo cho các mục đồng đêm Giáng sinh. Tin, không chỉ hệ tại lý trí chấp nhận mà còn hệ tại sống điều mình tin.
III. BÀI HỌC
31. H. Gioan Tẩy Giả là ai?
T. Gioan Tẩy Giả là Ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước, được Thiên Chúa chọn để dọn đường cho Chúa Cứu Thế.
32. H. Khi bắt đầu rao giảng, Chúa Giêsu loan báo điều gì?
T. Chúa Giêsu loan báo rằng: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).
33. H. Chúa Giêsu đã giảng về Nước Thiên Chúa như thế nào?
T. Người đã dùng nhiều dụ ngôn để nói về Nước Thiên Chúa như: kho báu, mẻ lưới, men trong bột, hạt cải…
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Nước Thiên Chúa chỉ đến với những tâm hồn sám hối và tin vào Chúa Giêsu. Tôi quyết tâm học hỏi Lời Chúa và thay đổi nếp sống cho phù hợp với Tin mừng.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, Chúa đến rao giảng Nước Thiên Chúa và mời gọi mọi người gia nhập. Xin cho con hiểu biết và đón nhận lời giảng của Hội Thánh để Nước Chúa hiển trị trong lòng con. Amen.

Bài 12: Chúa Giêsu dạy ta về Ba Ngôi
I. LỜI CHÚA
“Khi Đức Giêsu đã chịu Phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên thì tầng trời bỗng mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và chợt có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,16-17)
II. TRÌNH BÀY
Khi loan báo về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng dạy ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
1. Chúa Giêsu dạy về Chúa Cha
Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha của Người. Người hằng cầu khẩn Chúa Cha, tìm sống thánh ý Chúa Cha, chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó:
– “Lạy Cha là Chúa trời đất” (Mt 11,25).
– “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con…” (Ga 11,41).
– Tại vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được, thì xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
– Vì tuyên bố Thiên Chúa là Cha và xưng mình là Con, nên Chúa Giêsu bị kết án tử hình vì “đã nói phạm thượng” (x. Mt 26,13-64).
2. Chúa Giêsu dạy về Chúa Thánh Thần
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói tới Chúa Thánh Thần, nhất là trong diễn từ chia ly:
– Người hứa sẽ gửi Thánh Thần của Người đến sau khi về bên Chúa Cha (x. Ga 13,17).
– Người gọi Thánh Thần là Đấng Bào chữa (x. Ga 14,16).
– Thánh Thần sẽ làm chứng cho Người và sẽ loan báo trước những gì sẽ xảy đến (x. Ga 16,13-14).
3. Chúa Giêsu dạy về chính mình Người
– Chúa Giêsu nói: “Ta và Cha là một” (Ga 10,30) nghĩa là Người là Thiên Chúa như Chúa Cha. Người được Chúa Cha sai đến trần gian cứu độ loài người. Người là khởi đầu và là cuối hết, nghĩa là Người có từ đời đời.
– Chúa Giêsu có quyền tha tội (x. Lc 5,24), một độc quyền của Thiên Chúa (x. Lc 5,21).
– Chúa Giêsu đã sống lại để chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa thật.
4. Ba Ngôi nhưng một Chúa
Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Qua lệnh truyền ấy, Chúa Giêsu muốn xác quyết: Cha, Con và Thánh Thần là một Thiên Chúa quyền phép và đầy yêu thương, Đấng ban đời sống siêu nhiên cho những ai tin và chịu Phép Rửa.
Như thế, chúng ta thấy: Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa (vì có trước muôn đời như Cha), Thánh Thần là Thiên Chúa (vì cùng vĩnh cửu như Cha, cùng quyền phép như Cha, cùng bản tính như Cha). Cả Ba Ngôi cùng là Thiên Chúa, nhưng không phải là Ba Thiên Chúa mà là MỘT THIÊN CHÚA BA NGÔI. Đây là mầu nhiệm cao cả nhất trong Đạo, ta không thể hình dung được, huống chi là hiểu. Song ta tin thật như thế vì chính Chúa Giêsu đã dạy ta như vậy.
5. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi liên hệ với chúng ta
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc phát sinh muôn vật, trong đó loài người được đặc biệt dự phần vào sự sống thần linh của Người. Hơn nữa, Thiên Chúa (Ngôi Cha) đã dựng nên vũ trụ cho loài người có nơi ăn chốn ở, có phương tiện sinh sống. Thiên Chúa (Ngôi Con) đã xuống thế, trả lại sự sống thần linh mà nguyên tổ đã đánh mất. Thiên Chúa (Ngôi Thánh Thần) tiếp tục tăng cường sức sống thần linh nơi các tín hữu.
Như thế, loài người phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi nhất là phải năng tưởng nhớ Chúa Ba Ngôi ngự trong lòng ta như Đền thờ Người. Kinh Sáng danh và dấu Thánh giá giúp ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống hàng ngày.
III. BÀI HỌC
35. H. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy ta điều gì?
T. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi dạy ta biết có một Thiên Chúa mà Người có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần.
36. H. Ta phải làm gì đối với Thiên Chúa Ba Ngôi?
T. Ta phải tin cậy kính mến, thờ lạy và biết ơn, nhất là phải năng tưởng nhớ Chúa Ba Ngôi ngự trong lòng ta như Đền thờ Người.
IV. THÁI ĐỘ SỐNG
Chúa Giêsu dạy cho tôi biết mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi đọc kinh Sáng danh, làm dấu Thánh giá là tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi kính cẩn làm dấu Thánh giá để tôn thờ Chúa Ba Ngôi.
V. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi gợi lên trong trí óc con hình ảnh gia đình Ba Ngôi tràn đầy hạnh phúc. Xin cho con biết tạo cuộc sống ấm êm trong gia đình con, để gia đình con xứng đáng trở nên hình ảnh Ba Ngôi trên trời. Amen.

Bài 13: Tôn thờ Thiên Chúa
I. LỜI CHÚA
“Nghe đây, hỡi Israel: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em.” (Tl 6,4-5)
II. TRÌNH BÀY
Tôn thờ là gì?
Tôn thờ là tâm tình và thái độ của loài người (thụ tạo) đối với Thiên Chúa (Tạo hóa): loài người nhìn nhận sự sống, sự chết của mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa. Thái độ nội tâm căn bản này đòi buộc phải thể hiện ra bên ngoài bằng nhiều hình thức (cầu nguyện, tế lễ, sống tuân phục Thiên Chúa…). Đó là nội dung ba điều răn đầu của Thập Giới.
1. Điều răn thứ nhất
Thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Điều răn này chú trọng tới thái độ nội tâm. Nhờ quan sát vũ trụ, nghiền ngẫm những khát vọng chính đáng trong lòng, nhất là nhờ Thánh Kinh và lời Hội Thánh dạy dỗ, loài người biết mình có mặt trên trần gian này là do Thiên Chúa; biết mình được Thiên Chúa sắp đặt cho hưởng hạnh phúc mai sau với Người. Cho nên tâm tình đầu tiên của loài người là cảm tạ và yêu mến Chúa hết lòng.
Yêu mến Chúa hết lòng là nếu phải chọn giữa Thiên Chúa và tạo vật (tiền của, danh vọng, lạc thú…) thì ta phải bỏ tạo vật ấy mà chọn Chúa; khi cần, dám hy sinh mạng sống của mình để chứng tỏ lòng ta gắn bó với Chúa.
Sau đây là một tội phạm lỗi giới răn thứ nhất:
a. Thờ các loài thụ tạo
b. Mê tín dị đoan
c. Phạm sự thánh.
Tâm tình cảm tạ, yêu mến trong lòng được thể hiện phần nào ra bên ngoài nhờ thực hiện điều răn thứ hai và thứ ba.
2. Điều răn thứ hai: Chớ kêu vô cớ tên Thiên Chúa.
Người Việt Nam có thói quen tốt đẹp là kiêng nể tên ông bà, cha mẹ, các bậc vị vọng. Có nơi, người ta gọi tên cha mẹ bằng tên người con trưởng.
Dân Israel cũng tránh đọc tên Thiên Chúa vì theo họ, “tên” ai là chỉ chính người ấy.
Kính trọng danh Chúa, là không được kêu tên Chúa bừa bãi, vô lý, không được nhẹ dạ dùng tên Chúa trong câu chuyện thường ngày. Bất cứ danh xưng nào chỉ Thiên Chúa, ta đều phải kính trọng.
Cũng không được nói tới tên Chúa để thề thốt (trừ trường hợp hệ trọng đã được Hội Thánh trù liệu).
Về mặt tích cực, kính trọng tên Chúa là phổ biến giáo lý Đạo Chúa, là “nguyện Danh Cha cả sáng”, là có thái độ kính cẩn khi đọc hoặc nghe đọc tên Chúa:
“Nghe danh Chúa Giêsu
Cả trên trời dưới đất
Và trong cõi âm ty,
Muôn vật phải bái quì,
Và mở miệng tuyên xưng
Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phl 3,10).
3. Điều răn ba: Giữ ngày Chúa nhật
Điều răn này hệ tại: tham dự Thánh lễ và kiêng việc xác ngày Chúa nhật.
a. Giữ ngày Chúa nhật
Trong các hoạt động loài người có thể dâng lên Thiên Chúa thì Thánh lễ là hoạt động cao cả nhất. Trong một tuần, Thánh lễ Chúa nhật có giá trị đặc biệt, vừa kỷ niệm việc Chúa Giêsu sống lại, vừa là thánh lễ của cộng đoàn. Ngày ấy, cả cộng đoàn Giáo xứ tụ họp nhau trong nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Ai tham dự Thánh lễ Chúa nhật là đã chu toàn nghĩa vụ cao cả nhất trong tuần để tôn vinh Thiên Chúa; người ấy cũng được tràn ngập ân sủng và niềm vui chan hòa… Bỏ Thánh lễ Chúa nhật khi không có lý do chính đáng là lỗi bổn phận quan trọng đối với Thiên Chúa.
b. Kiêng việc xác
Kiêng việc xác ngày Chúa nhật và lễ buộc là không làm những việc tay chân có thể gây trở ngại cho việc thánh hóa ngày của Thiên Chúa.
Kiêng việc xác có nhiều ý nghĩa:
– Tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa về ngày lễ nghỉ.
– Để mừng kỷ niệm việc Chúa Giêsu sống lại vào ngày đầu tuần.
– Để hướng tới thời gian cuối cùng khi mọi sự hoàn tất.
– Để có thời gian rộng rãi hơn mà chu toàn nghĩa vụ thờ phượng Chúa và làm việc bác ái.
– Nghỉ ngày Chúa nhật còn có cái lợi thực tế là để bồi bổ sức khỏe bị tiêu hao suốt tu

Ngày đăng: 22/10/2021
© 2021 Cộng đoàn công giáo Việt Nam - Osaka.
All rights reserved.